IELTS là gì – làm thế nào để học IELTS

IELTS là gì? Tôi nghĩ rằng khi bạn tìm tới bài viết này cũng là lúc bạn đang quan tâm tới IELTS nhưng lại chẳng biết IELTS là gì. Câu hỏi này không phải là câu hỏi khó nhưng đôi khi bạn lao vào học IELTS mà chẳng hiểu gì về nó cả.

Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu tới bạn những điều mà bạn băn khoăn về IELTS, không chỉ giải đáp cho bạn câu hỏi “IELTS là cái gì?” mà tôi còn giúp bạn hiểu được những vấn đề quan trọng không kém về bài thi IELTS.

Dù có là người mới học, người mất căn bản, người có nền tảng vững, người đang học, hay thậm chí người đã thi thì cũng nên đọc đi nhé.

Các bạn nên đọc để tránh bị lừa – phí thời gian – học sai mục đích – tốn công – tốn của.

ielts-la-gi

IELTS LÀ GÌ

IELTS là viết tắt của từ International English Language Test System – là một bài thi standardised test. Đây là một dạng bài thi tiêu chuẩn để đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

Bài thi IELTS là một bài thi tiếng Anh tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới cùng với TOEFL (theo Vicky Feast,2002)

Điểm số IELTS là một yêu cầu bắt buộc để học sinh hoặc người nhập cư từ một số nước phải nộp khi xin visa hoặc xin học tại các trường đại học. Tại Úc và Anh thì đây là chứng chỉ yêu cầu bắt buộc, còn tại Mỹ thì bạn vẫn có sự lựa chọn giữa IELTS hay TOEFL.

Hiện tại ở Việt Nam thì có 02 đơn vị tổ chức thi là Hội Đồng Anh và IDP (tổ chức Giáo Dục Úc) và thi tại các địa điểm là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh (thường xuyên) và Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ (không thường xuyên).

Để biết lịch thi tại Hội Đồng Anh các bạn có thể xem tại đây

Để biết lịch thi tại IDP các bạn có thể xem tại đây.

Trước khi đọc tiếp bài học ở bên dưới, bạn có thể đăng ký để nhận email hàng tuần của tôi. Tôi sẽ gửi bạn những nội dung, tips, hướng dẫn, kinh nghiệm giúp bạn học tiếng Anh và IELTS hiệu quả nhất nhé. Có rất nhiều tài liệu và bài học độc quyền tôi chỉ gửi qua email này thôi đấy. (Nếu bạn đã đăng ký, vui lòng bỏ qua nhé. Rất xin lỗi đã làm phiền bạn)

PHÂN BIỆT IELTS ACADEMIC (IELTS HỌC THUẬT) VÀ IELTS GENERAL (IELTS TỔNG QUÁT)

Bài kiểm tra IELTS có hai dạng chính: bài kiểm tra (hoặc mô-đun) học thuật và bài kiểm tra (hoặc mô-đun) tổng quát. Sau này thì có chia thêm thành các dạng như sau:

Với các dạng này thì hầu hết đều có sự tương đồng giữa IELTS Academic và IELTS UKVI, và IELTS General và IELTS UKVI General.

Vì vậy tôi tập trung vào việc nói về tiếng Anh IELTS Học thuật và IELTS Tổng Quát (IELTS Academic – IELTS General) nhưng thứ khác không quan trọng vì đều có điểm giống nhau.

Cả bài kiểm tra học thuật và tổng quát đều tương ứng với những tình huống ngoài đời để kiểm chứng xem ứng viên có thể tồn tại trong một xã hội nói tiếng Anh và trong môi trường học thuật hay không.

Bài kiểm tra IELTS (kể cả học thuật và tổng quát) đều được chia thành 4 phần: đọc, viết, nghe và nói. Bài kiểm tra kĩ năng nghe và nói giống nhau cho cả 2 mô-đun, nhưng bài kiểm tra kỹ năng đọc và viết lại khác nhau.

Bạn nên xem video này để biết chi tiết hơn IELTS là gì. 

Và tất nhiên, bạn nên đọc nốt bài này để có được các thông tin chi tiết nhất nhé. Tôi vẫn chờ bạn mà, xem video để hiểu hơn cho câu hỏi IELTS là gì nhé.

CẤU TRÚC BÀI THI IELTS

HƠN 70% HỌC SINH ĐĂNG KÝ NGAY KHÓA HỌC IELTS MÀ KHÔNG BIẾT MÌNH PHẢI THI NHỮNG GÌ !!!

CẤU TRÚC BÀI THI IELTS LISTENING

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Listening tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Listening hoàn toàn miễn phí nhé.

Bài thi đầu tiên mà bạn sẽ làm kể từ khi bước vào phòng thi đó là bài thi IELTS Listening. Đây là một thử thách.

Bài kiểm tra kỹ năng nghe trong IELTS là giống nhau trong cả mô-đun học thuật và tổng quát. Thí sinh sẽ được nghe một đoạn ghi âm và phải trả lời một chuỗi câu hỏi.

Đoạn ghi âm sẽ chỉ được phát một lần duy nhất.

Bài kiểm tra nghe IELTS Listening được chia thành 4 phần, mỗi phần 10 câu hỏi (tổng cộng 40 câu hỏi) và sẽ dài khoảng 30 phút, cộng thêm 10 phút cuối để thí sinh điền đáp án vào phiếu trả lời.

Có rất nhiều dạng câu hỏi được sử dụng trong bài kiểm tra nghe. Những dạng câu hỏi hay gặp thường ở trong danh sách dưới đây:

Dạng bài Multiple Choice: Bạn sẽ chọn lựa 1 trong số 4 đáp án cho 1 câu hỏi, hoặc chọn 2 trong số nhiều khả năng cho 1 câu hỏi. Đang là một dạng bài khó.

Dạng bài Matching: Bạn sẽ phải nối các thông tin bắt buộc với các lựa chọn nào đó. Thường thì các lựa chọn sẽ nhiều hơn thông tin.

Dạng bài Labelling: Các bạn cần điền tên của các vật, các bước trong một bản đồ (map) hoặc tiến trình (flowchart/diagram)

Dạng bài Completion: Các bạn cần điền vào các chỗ trống trong một đoạn thông tin, bảng, ghi chú, hoặc của một câu hoặc trả lời một câu hỏi ngắn.

CẤU TRÚC BÀI THI IELTS READING

Sau khi đã thi xong Listening, bạn sẽ nghỉ trong khoảng vài phút và nhận ngay đề Reading. Tiếp đó là 1 giờ căng thẳng thử thách bạn còn ghê gớm hơn.

BÀI THI IELTS READING TRONG IELTS GENERAL

Bài kiểm tra này dài 1 tiếng, gồm 3 phần, tổng cộng 40 câu hỏi dựa trên 1 hoặc nhiều đoạn văn trong một phần.

Độ dài của bài thi đọc này sẽ nằm trong khoảng 2000 đến 2750 chữ.

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Reading tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Reading hoàn toàn miễn phí nhé.

Thí sinh sẽ được phát giấy ghi câu hỏi và phiếu trả lời. Họ có thể viết vào giấy ghi câu hỏi những không thể mang tờ giấy đó ra khỏi phòng thi.

Tất cả câu trả lời phải được điền vào phiếu trả lời trước khi 60 phút kết thúc –  sẽ không có thời gian thêm cho thí sinh điền đáp án vào phiếu trả lời.

Có rất nhiều dạng câu hỏi được dùng trong bài thi đọc IELTS tổng quát. Các loại câu hỏi bạn gặp được liệt kê dưới đây:

Multiple choice: chọn một trong 3 hoặc 4 đáp án cho mỗi câu hỏi, hoặc 2 3 đáp án trong nhiều lựa chọn.

Identify Fact: Còn gọi là True False Not Given, đánh giá sự chuẩn xác của thông tin so với fact (sự thực) có trong bài.

Idenfity opinion: Còn gọi là Yes/No/Not Given, đánh giá sự đồng thuận hay phản đôi hay không liên quan của một quan điểm so với quan điểm của người viết trong bài.

Matching Information: ghép các thông tin vào trong một đoạn văn.

Matching headings: lựa chọn các tiêu đề phù hợp cho một đoạn văn.

Matching features: ghép các thông tin có sẵn với các lựa chọn.

Matching sentence endings: Bạn sẽ ghép phần mở đầu của câu với phần kết của câu

Completion: Điền từ vào chỗ trống để hoàn thành một câu, đoạn tóm tắt, bảng, bản đồ …

Short answer: Yêu cầu bạn phải trả lời các câu hỏi ngắn bằng thông tin trong đoạn văn.

Những văn bản sử dụng trong bài thường được lấy từ thông cáo, quảng cáo, văn bản chính thức, sách, báo, sách hướng dẫn sử dụng, tờ rơi, thời gian biểu và tạp chí. Bạn có thể tìm thấy các bài báo này ở Một số nguồn đọc IELTS mọi trình độ.

Phần đầu chủ yếu xoay quanh xã hội ở một nước nói tiếng Anh.

Phần 2 là về giáo dục, đào tạo hoặc phúc lợi xã hội.

Phần 3 sẽ kiểm tra xem thí sinh có thể giải quyết được một đoạn văn dài và phức tạp hơn không.

BÀI THI IELTS READING TRONG IELTS ACADEMIC

Bài kiểm tra này dài 1 tiếng và được chia thành 3 phần, tổng cộng có 40 câu hỏi.

Độ dài của bài kiểm tra đọc trong IELTS học thuật sẽ khoảng 3000 từ.

Thí sinh sẽ được phát câu hỏi và phiếu trả lời. Bạn có thể viết trên tờ giấy ghi câu hỏi nhưng bạn không thể mang tờ giấy đó ra khỏi phòng thi sau khi bài thi kết thúc.

Tất cả câu trả lời phải được ghi vào phiếu trả lời trước khi 60 phút kết thúc – sẽ không có thời gian thêm cho thí sinh chuyển đáp án vào phiếu trả lời.

Rất nhiều dạng câu hỏi sẽ được dùng trong bài thi và các dạng này hoàn toàn tương tự với IELTS Reading trong bài thi IELTS Genenral (xem ở trên)

Những văn bản trong bài kiểm tra đọc IELTS học thuật được lấy từ tạp chí, báo và sách khoa học – Bạn có thể tìm thấy các bài báo này ở Một số nguồn đọc IELTS mọi trình độ.

Chúng được viết cho những người đọc chưa hoặc đã tốt nghiệp đại học nhưng không hề có bất cứ kiến thức chuyên sâu nào về chủ đề được cho.

Tất cả chủ đề của bài đọc đều xoay quanh học thuật tổng quát.

Một bài đọc có thể bao gồm biểu đồ, đồ thị hoặc tranh minh họa.

Nếu có những từ hoặc thuật ngữ nào liên quan tới chuyên môn mà thí sinh khó có khả năng biết, một bảng chú giải thuật ngữ ngắn ngay trong bài hoặc ở phần cuối trang sẽ là cứu cánh cho bạn.

Thi xong Reading rồi, phù, giờ còn phần gay cấn hơn đó là IELTS Writing.

CẤU TRÚC BÀI THI IELTS WRITING

BÀI THI IELTS WRITING TRONG IELTS GENERAL

Bài kiểm tra kỹ năng viết trong IELTS tổng quát kéo dài trong vòng 1 tiếng. Thí sinh sẽ phải hoàn thành 2 phần

Phần 1 yêu cầu thí sinh viết một bức thư để trả lời một tình huống cho trước. Thí sinh phải viết ít nhất 150 chữ.

Phần 2 yêu cầu thí sính viết một bài luận dựa theo một chủ đề tổng quát cho sẵn. Thí sinh phải viết ít nhất 250 chữ.

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Writing General tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Writing Task 1 General hoàn toàn miễn phí nhé.

BÀI THI IELTS WRITING TRONG IELTS ACADEMIC

Bài kiểm tra viết học thuật có độ dài 1 tiếng. Thí sinh phải làm 2 bài viết ngắn gọi là 2 Task.

IELTS Writing Task I

Yêu cầu ứng viên miêu tả thông tin thực tế được cho dưới dạng ảnh. Những ảnh này có thể là biểu đồ đường, biểu đồ cột, biểu đồ tròn, bảng biểu hoặc tranh miêu tả một quá trình; có thể có cả sự kết hợp của những bảng biểu kể trên. Thí sinh phải viết tối thiểu 150 chữ. Thời gian gợi ý thường là 20 phút.

Có một số đề thì bạn sẽ phải viết mô tả về một hình vẽ như tiến trình sản xuất gì đó hay mô tả một bản đồ.

Ví dụ thế này:

hoặc thế này

Có vẻ phức tạp, nhưng đừng lo

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Writing Task 1tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Writing Task 1 hoàn toàn miễn phí nhé.

IELTS Writing Task II

Yêu cầu ứng viên viết một bài luận về một chủ đề học thuật. Thí sinh phải viết tối thiểu 250 chữ. Bạn nên viết trong thời gian 40 phút.

Ví dụ về một đề essay:

Many parts of the world have poor supplies of fresh water. What could be done to reduce this problem?

Tuy nó khó nhưng không sao:

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Writing Task 2 tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Writing Task 2 hoàn toàn miễn phí nhé.

CẤU TRÚC BÀI THI IELTS SPEAKING

Bài kiểm tra kỹ năng nói trong IELTS là giống nhau trong cả mô-đun học thuật và tổng quát.

Bài thi này gồm một giám khảo và một thí sinh. (Trừ hệ thống IELTS UKVI thì sẽ có thêm một giám khảo nữa ghi chép)

Bài thi nói học thuật sẽ được ghi âm. Bài nói chia thành 3 phần gọi là 3 Parts

Khi thi IELTS Speaking sẽ như thế này nhé

IELTS Speaking Part 1 – Interview 

Phần này bắt đầu với một số câu hỏi giới thiệu bản thân. Sau đó giám khảo sẽ hỏi những câu hỏi về thông tin cá nhân của thí sinh, những dạng câu hỏi như khi hai người mới gặp nhau lần đầu tiên.

Cuối cùng, giám khảo sẽ hỏi một chuỗi câu hỏi theo 2 chủ đề chung chung (phần này dài từ 4 đến 5 phút)

IELTS Speaking Part 2 – Individual talk

Phần này thí sinh sẽ nói dưới dạng độc thoại. Giám khảo sẽ phát cho thí sinh một tờ giấy ghi chủ đề và một vài câu hỏi gợi ý.

Thí sinh phải nói trong vòng 1 đến 2 phút. Giám khảo sẽ chỉ định thời lượng chính xác. Ứng viên sẽ có một phút để chuẩn bị bài nói và họ sẽ được phát giấy và bút chì để ghi chú.

Ví dụ về một bài thi Speaking Part 2:

Bạn có thể học các kiến thức cần thiết cho bài thi IELTS Speaking tại chương trình học Ultimate Guide for IELTS Speaking hoàn toàn miễn phí nhé.

Sau bài nói của thí sinh, giám khảo sẽ hỏi 1 hoặc 2 câu hỏi ngắn để kết thúc phần 2 (phần này dài từ 3 đến 4 phút và tuỳ vào từng trường hợp giám khảo sẽ hỏi hoặc không)

IELTS Speaking Part 3 – Discuss

Trong phần này, giám khảo sẽ hỏi thí sinh thêm một số câu hỏi liên quan đến chủ đề của phần 2. Những câu hỏi này sẽ đòi hỏi thêm những phân tích sâu hơn về chủ đề đó (phần này dài 4 đến 5 phút)

CÁCH CHẤM ĐIỂM BÀI THI IELTS

Thang điểm cao nhất của bài thi IELTS là thang điểm 9.

Thí sinh sẽ được trả bảng điểm, trên đó ghi rõ điểm tròn hoặc điểm nửa ở mỗi kỹ năng, và số điểm tổng dưới dạng tròn hoặc nửa, cùng với thông tin về quốc tịch, tiếng mẹ đẻ và ngày sinh của thí sinh.

Các cấp độ IELTS 

9 thang chấm điểm – 9 cấp độ của bài thi IELTS – tương ứng với một trình độ về khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh ở thang điểm đó.

Mỗi một cấp độ IELTS thường được gọi là bao nhiêu chấm, ví dụ IELTS 5 chấm hay 6 chấm 5 chẳng hạn. Các cấp độ IELTS nào bạn cần, thì nó tùy thuộc vào yêu cầu của nơi mà bạn sẽ nộp điểm IETLS này, ví dụ như một số trường thì cần điểm 5.0, một số nơi thì cần cấp độ ielts 6.5 chẳng hạn.

Các thang điểm IELTS như sau:

(Giải thích chi tiết ở ngay bên dưới nha bạn)

how ielts score means

GIẢI THÍCH TỪNG BAND ĐIỂM IELTS

Band 9: Người sử dụng tiếng Anh chuyên nghiệp và thông thạo ngôn ngữ đó: sự hợp lý, sự chính xác, trôi chảy và dễ hiểu.

Band 8: Người sử dụng tiếng Anh rất tốt và thành thạo ngôn ngữ đó, chỉ thỉnh thoảng có vài lỗi nhỏ. Sẽ có thể có vài hiểu lầm trong những tình huống không thường gặp, giải quyết tình huống tranh luận tốt.

Band 7: Người sử dụng tiếng Anh tốt và thành thạo, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có vài lỗi và gây hiểu lầm trong một số tình huống. Anh ấy/ cô ấy thường giải quyết tốt các tình huống phức tạp và hiểu rõ lý do chi tiết.

Band 6: Người sử dụng tiếng Anh khá và tương đối thành thạo, tuy rằng vẫn có lỗi và gây hiểu lầm cho người nghe. Anh ấy/ cô ấy có thể hiểu tương đối ngôn ngữ phức tạp, thường là trong những tình huống quen thuộc.

Band 5: Người sử dụng ngôn ngữ ở mức trung bình và thành thạo một phần, có thể giải quyết hầu hết các tình huống, tuy vẫn mắc nhiều lỗi. Anh ấy/ cô ấy có thể đương đầu với những tình huống giao tiếp cơ bản.

Band 4: Người dùng tiếng Anh khá hạn chế, thường chỉ có thể đương đầu với những tình huống thường gặp. Anh ấy/ cô ấy gặp vấn đề thường xuyên trong việc hiểu và diễn đạt. Anh ấy/ cô ấy không có khả năng sử dụng ngôn ngữ phức tạp.

Band 3: Người dùng ngôn ngữ vô cùng bị hạn chế và chỉ có thể hiểu đại ý của ngôn ngữ trong những tình huống vô cùng quen thuộc. Mắc rất nhiều lỗi trong giao tiếp.

Band 2: Người dùng tiếng Anh không thể giao tiếp bình thường, trừ khi nói về những thông tin cơ bản nhất và chỉ có thể sử dụng những từ ngữ rời rạc hay câu ngắn trong những tình huống cực kì quen thuộc. Anh ấy/ cô ấy gặp rất nhiều khó khăn trong việc hiểu tiếng Anh viết và tiếng Anh giao tiếp.

Band 1: Người không dùng tiếng Anh, không có khả năng dùng ngôn ngữ này, chỉ có thể nói vài từ đơn lẻ.

Band 0: Không làm bài thi – không có thông tin

iểm số của bài IELTS sẽ được gửi tới bạn thông qua tờ giấy trả điểm như dưới đây. Trên đó bạn sẽ được báo điểm số cho từng kĩ năng, đồng thời có điểm tổng (Overall Score – đây thường là điểm số mà người ta gọi một thí sinh là đạt mấy chấm)

HỌC IELTS KHÔNG KHÓ

Thực ra việc học ôn thi IELTS không quá khó.

Chỉ cần 

Bạn chịu khó ôn tập và đọc kĩ các lời khuyên dưới đây, cũng như tìm hiểu về bài thi thật kĩ càng, ôn luyện nền tảng tốt và có một người hướng dẫn tốt.

Tất nhiên là làm hết những thứ đó thì không phải trong ngày một ngày hai rồi. Nhưng chắc chắn là bạn sẽ không thấy quá khó khăn với bài thi IELTS nữa.

12 LỜI KHUYÊN CHO KỲ THI IELTS

Làm quen với bài thi sớm nhất có thể

Những kỹ năng trong bài thi IELTS cần một khoảng thời gian dài để xây dựng

Học nhồi nhét không hiệu quả

Sử dụng thời gian học hợp lý. Học khi bạn tỉnh táo và sau khi soạn xong thời gian biểu, hãy chắc rằng bạn làm theo nó.

Đặt mục tiêu và đảm bảo rằng bạn có đủ thời gian nghỉ ngơi

Trong bài thi IELTS, mỗi kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đều quan trọng như nhau.

Hãy để ý quy trình thủ tục làm bài thi

Nắm rõ thứ tự và độ dài của các phần, và từng loại câu hỏi. Có rất nhiều nguồn giúp bạn luyện tập các kỹ năng này.

Có một người bạn hoặc một nhóm bạn học cùng là một ý tưởng tuyệt vời.

Tìm sự trợ giúp từ giáo viên, bạn bè hoặc người bản xứ nói tiếng Anh

Tập thể dục, ăn, ngủ, nghỉ điều độ trong tuần bạn làm bài thi là rất quan trọng

Không nên dựa vào sự may rủi.

ĐÊM TRƯỚC NGÀY THI – RẤT QUAN TRỌNG

Bạn phải ăn tối và đi ngủ như thường ngày, không quá sớm cũng không quá muộn, vì bạn không nên làm xáo trộn quy trình ngủ của bạn.

Chuẩn bị mọi thứ bạn cần mang theo đểsang hôm saubạn chỉ cần mang chúng đi, ví dụ như mẫu đăng ký thi, hộ chiếu. Đặt đồng hồ báo thức vào đêm hôm trước hoặc sắp xếp một cuộc gọi báo thức.

Bạn không cần mang theo các vật dụng như bút chì, tẩy, đồng hồ.

SÁNG HÔM THI THÌ TÔI NÊN LÀM GÌ

Ăn một bữa sang ngon. Bạn sẽ phải tập trung trong vòng vài giờ tới và bạn cần thức ăn và thức uống vào buổi sang. Bạn còn có thể mang thêm thức ăn hoặc đồ ăn vặt theo người, đặc biệt nếu ca thi nói của bạn được sắp xếp vào cuối ngày hôm đó.

Hãy dự tính trước nhiều thời gian để tới địa điểm thi. Bạn sẽ phải điền một đơn đăng ký và trình hộ chiếu trước khi vào phòng thi, vì vậy bạn phải đến vào mốc thời gian định trước bởi hội đồng thi. Nếu bạn tới sớm, bạn có thể đi dạo. Nếu bạn tới muộn, bạn sẽ không được vào. Tránh bị áp lực vì phải vội đến.

CHÚ Ý TRONG KHI THI

Hầu hết học sinh đều sẽ cảm thấy lo lắng. Điều này là hoàn toàn bình thường. Thực tế thì, điều này có thể có ích cho bạn, nó có thể cho bạn thêm động lực. Nó có thể khiến bạn cảnh giác và giúp bạn tập trung hơn. Mục đích là bạn cố gắng hết sức để hoàn thành bài thi

Mặt khác, lo lắng quá độ sẽ ảnh hưởng tới kết quả của thí sinh.

Trước khi vào mỗi phần thi hãy lưu ý lời giám khảo hướng dẫn bạn, điều đó rất quan trọng vì bạn cần làm theo đúng hướng dẫn của họ để tránh bị các lỗi khi thi.

Trong quá trình thi hãy bỏ quên tất cả mọi thứ ở ngoài đầu, không quan tâm điều gì khác. Bạn sẽ làm bài tốt thôi.

Trong khi thi bài thi IELTS Listening, bạn không được phép ra ngoài. Khi thi Reading và Writing bạn được phép ra ngoài. Tuy nhiên, nếu không bắt buộc thì đừng ra ngoài vì bạn đang phí phạm thời gian của mình rồi.

HỌC IELTS THÌ NÊN HỌC THẾ NÀO?

Theo quan điểm của tôi, có thể là cổ hủ, lạc hậu nhưng học gì thì cũng cần có cái nền tảng.

Bởi không thiếu học sinh tôi thi IELTS 7.0 hay 7.5 mà giao tiếp rất tệ, thiếu linh hoạt, đi du học thì kêu như vạc là khó hòa hợp.

Với ai có nền tảng tốt thì vượt qua các trở ngại này không hề khó đâu.

Tôi gặp vô cùng nhiều trường hợp và cũng là người dọn “sh!t” cho nhiều nơi khi mà gặp những trường hợp đầu voi đuôi chuột.

Nền tảng thì chưa tốt nhưng lại thích dùng từ hay template hoa mỹ, dẫn tới những thảm họa rất đáng sợ.

Hay phát âm thì chưa vững, nền tảng từ vựng thì không có nhưng lại thích áp dụng những từ ngữ dài tới 5 6 âm tiết, tạo ra thảm họa khiến người nghe không thể hiểu nổi anh chị ta đang nói cái gì.

Và khó tin nhưng là thật, những người đó thi IELTS tôi chưa thấy ai thi quá 5.0. Hơi khó tính và cay đắng, nhưng là sự thật đấy các bạn ạ.

Như vậy, các bạn có thể cân nhắc học theo hướng là tạo nền tảng thật tốt rồi tới luyện IELTS.

Vậy chúng ta nên học IELTS thế nào? Và cần học gì?

Hãy đăng ký ngay một khoá phát âm bài bản nơi giáo viên có thể chữa cho bạn các lỗi phát âm.

Hãy đăng ký một lớp tiếng Anh cơ bản nếu bạn hổng kiến thức, đừng vội vàng học IELTS. Hoặc có thể tham khảo bài này để ôn luyện cơ bản. (Tuy nhiên, xác định rằng tự học là không đơn giản).

Hãy tham gia vào lớp học IELTS với thiết kế tập trung vào mọi kĩ năng và vấn đề. Thi IELTS bạn cần một lượng kiến thức và khả năng sử dụng ngôn ngữ toàn diện. 

Hãy tìm kiếm một nơi bạn có thể luyện tập Speaking thường xuyên. Nếu tham gia 2 khoá học trên của tôi thì bạn không cần lo lắng việc này. Nếu không có thể tìm kiếm một nhóm học hoặc một partner. Tôi sẽ có những lưu ý và cách học nhóm tại blog này sau.

Dành thời gian đọc thật nhiều nguồn tiếng Anh. Bạn có thể tham khảo bài Nguồn đọc mọi trình độ. Nếu không đọc thì đừng mơ việc nâng điểm số cho kĩ năng đọc và viết.

Dành thời gian nghe nhiều hơn, xem phim nhiều hơn và nhớ để ý tới cách người ta nói và phát âm. Đừng chỉ chú ý tới tình tiết phim.

Hãy nắm chắc các cách làm bài cho từng kĩ năng.

Tôi có các bài viết rất chi tiết về các kĩ năng ở trên, bạn có thể tham khảo nhé.

NHỮNG CÂU HỎI NGỚ NGẨN THƯỜNG GẶP

NÊN THI Ở IDP HAY BC

Đây là câu hỏi ngớ ngẩn nhất trong sự nghiệp dạy IELTS mà tôi được nghe, nhưng lại được nghe nhiều nhất.

Bạn đừng tin vào tin đồn thổi làm gì cho mệt. Bởi bài thi IELTS được thiết kế rất Fair – công bằng. Tức là không có sự khác biệt gì về đề thi hay cách chấm thi, kể cả giám khảo chấm thi cho bạn.

Tuy vậy, tôi thường hướng học sinh thi ở BC (Hội Đồng Anh), một phần là do lí do có mối quan hệ bạn bè với bên đó, một phần là chất lượng dịch vụ tổ chức bên đó tốt hơn so với IDP.

BẰNG IELTS CÓ GIÁ TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Đây là bằng tiếng Anh – chứng chỉ tiếng Anh quốc tế có giá trị sử dụng trong 2 năm.

Chứng chỉ này được sử dụng trên toàn cầu nên các bạn có thể yên tâm rằng ở đâu cũng nhận (trừ vài trường khá là cổ hủ ở Mỹ thôi, họ ưu tiên TOEFL).

Chứng chỉ này chứng minh năng lực dùng ngôn ngữ của bạn trong các hoàn cảnh mà bài thi thiết kế ra.

Chứng chỉ này hiện cũng được một số công ty ở Việt Nam coi như là minh chứng năng lực tiếng Anh. Tuy nhiên theo tôi dự đoán thì xu hướng này dần dần sẽ bị mất đi do tính thiếu thực tế trong công tác dạy IELTS ở Việt Nam.

KHI NÀO THÌ HỌC IELTS

Điều này đòi hỏi bạn phải có kế hoạch ít nhất 2 năm tới.

Nhớ rằng IELTS hay các chứng chỉ tiếng Anh khác, hầu hết đều có thời hạn 2 năm mà thôi.

Nên hãy cố gắng sắp xếp thi IELTS trong giới hạn này.

Do vậy tôi khuyên các bạn nếu đã có mục tiêu đi du học hay nộp vào nơi nào yêu cầu IELTS thì hãy học nền tảng, ôn luyện và đi thi sớm, kết hợp với thời gian 2 năm để tránh bị dồn ép công việc.

HỌC IELTS BAO LÂU LÀ ĐỦ?

Thực ra khó mà trả lời được. Tuỳ vào từng người có nền tảng ra sao, dành thời gian học thế nào.

Trung bình mỗi người cần có thời gian là 300 giờ để lên được 01 chấm, nhưng càng lên cao thì càng khó hơn.

Và 300 giờ này là 300 được hướng dẫn học cụ thể và chi tiết, thế nên nếu tự học thì 300 giờ không chắc đủ.

Và 300 giờ này mà bị hướng dẫn sai thì còn khổ hơn, thế nên hãy chọn thầy cô mà học bạn ạ.

*Con số 300 giờ này được tham khảo từ hướng dẫn của tổ chức Cambridge English Language Assessment (tổ chức ra đề thi IELTS)

Một cách tính khác đó là theo khung Common European Framework of Reference, thì để lên được một trình độ ví dụ từ B2 lên C1 thì mất khoảng 200 giờ, nhưng là Guided Learning Hours – tức là số giờ học có HƯỚNG DẪN. Nói cách khác là học có hướng dẫn và chỉ dẫn của giáo viên, người giỏi hơn, các khoá học Online ….

Bạn có thể xem ở đây để biết trình độ nào thì cần bao nhiêu giờ nhé:

Và xem bảng dưới đây để biết từng trình độ ở trên (Theo CEFR Level hoặc Cambridge English Exam bạn quy đổi sang) tương ứng với IELTS bao nhiêu.

Lưu ý đây chỉ là Guided Learning Hours, tức bạn cần ít nhất gấp 3 lần như thế để tự học đồng thời có hướng dẫn nhé.

Từ đây bạn có thể tính ra tổng thời gian rồi đấy.

TẠI SAO ĐIỂM CỦA TÔI LẠI GIẢM?

Thực tế thì bài thi IELTS đặt ra mốc 2 năm hết hạn là có lí do.

Đây là bài thì về năng lực sử dụng ngôn ngữ, thế nên nếu bạn không dùng ngôn ngữ thì rõ ràng là không thể có sự cải thiện về điểm.

Một vấn đề khác đó là đôi khi bạn sẽ cảm thấy mình mà thi sẽ lên điểm nhưng lại giảm điểm, thường thì nguyên nhân nằm ở việc ra đề.

Có thể bạn nghĩ đề ra khó, nhưng thực ra thì không! Chỉ là bạn học tủ và đề thì không trúng tủ.

Còn nếu bạn không ôn gì cả mà bỏ một thời gian thì chắc chắn sẽ giảm điểm về một mức nào đó. Bởi dù sao IELTS cũng là kì thi thôi.

Lấy ví dụ, bản thân tôi vẫn viết và nói hằng ngày nên tôi tin điểm của tôi không tăng không giảm. Nhưng Reading và Listening lại khác. Tôi không luyện đề nhiều mà chỉ đọc và nghe vì công việc. Thế nên tôi không nghĩ tôi sẽ lấy 9,0 cho 2 kĩ năng này nếu đi thi ngay bây giờ.

Nếu bạn thực sự tự tin rằng điểm của mình cao chứ không giảm, hãy xin phúc khảo.

KHÔNG ĐI DU HỌC CÓ NÊN HỌC IELTS?

Thực ra thì lựa chọn này là ở bạn mà thôi.

Suy cho cùng, học IELTS cũng là một chứng chỉ và là một cơ hội để thể hiện trình độ ngôn ngữ trong CV.

Tuy vậy,

Đối với hiểu biết của tôi (thông qua mối quan hệ cá nhân với các head hunter) thì thị trường lao động hiện tại không cần thiết IELTS.

Điều quan trọng là họ nhận thấy rằng IELTS không mang lại hiệu quả về năng lực ngôn ngữ như người ta tưởng.

Một phần lí do là do cách học IELTS ở các “lò IELTS” hiện tại lại đi theo hướng không học tiếng Anh về bản chất và thực tế. Khiến cho học viên khi học xong IELTS thì lại gà mờ trong việc ứng dụng tiếng Anh.

Với cá nhân tôi thì thấy đây là một điều hết sức phản giáo dục.

Vì thế câu trả lời cho câu hỏi Không đi du học thì có nên học IELTS?, theo tôi nên trả lời như sau:

Bạn đang học IELTS theo cách nào? Để đi thi IELTS hay để dùng tiếng Anh?

Tôi nghĩ tự bạn có câu trả lời rồi nhỉ.

IELTS CÓ KHÁC TOEFL VÀ TOEIC KHÔNG?

So sánh IELTS với TOEFL

  • Thực ra thì 2 bài thi này đều có 4 kĩ năng Listening, Reading, Writing, Speaking.
  • Tuy nhiên về cấu trúc format bài thi thì khác nhau trong cả 4 kĩ năng.
  • Bên cạnh đó thì hiện tại IELTS được ưa chuộng trên toàn cầu hơn là TOEFL (chứng chỉ này hầu như chỉ đang phổ biến ở Mỹ thôi)
  • Điểm của 2 bài thi này hiện có thể quy đổi được cho nhau.

So sánh IELTS và TOEIC

Rõ ràng là bài thi TOEIC trước đây chỉ thi Reading và Listening thôi. Ngày nay thì có thêm 2 kĩ năng tự chọn là Writing và Speaking (nhưng tôi thấy hiện chẳng ai thi).

  • TOEIC thì có mục tiêu khác so với IELTS.
  • IELTS là bài kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ toàn cầu cho môi trường học thuật (hoặc môi trường sống hàng ngày).
  • TOEIC là bài kiểm tra năng lực sử dụng ngôn ngữ trong môi trường làm việc, công việc
  • Vì thế các bài thi và độ khó tất nhiên là sẽ có điểm khác nhau rồi.

Với kinh nghiệm bản thân thì tôi thấy TOEIC dễ hơn IELTS và điểm số TOEIC xin đừng quy đổi sang IELTS vì nó là một kiểu quy đổi điên rồ nhất tôi thấy.

Reference

Feast, Vicki. The impact of IELTS scores on performance at university. Diss. Flinders University, 2002.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *